Đánh bóng và bảo dưỡng sàn
Sàn nhà được ví như nền tảng của tòa nhà, là bộ mặt của gia chủ. Sau một thời gian chịu mài mòn bởi các tác động vật lí và hóa học, sàn nhà bị cũ kĩ, không còn bóng bảy và sạch sẽ như hồi mới xây dựng, làm giảm thẩm mĩ chung của toàn bộ tòa nhà. Việc thay thế sàn nhà là một việc làm phức tạp tốn kém. Vì vậy, việc chăm sóc kĩ lưỡng sàn nhà đúng cách định kì, sẽ giúp sàn nhà lấy lại vẻ sáng bóng, sạch sẽ, vệ sinh là một việc làm quan trọng và đầy ý nghĩa đối với gia chủ. Hiểu được điều này, Công ty Năm Sao đưa ra dịch vụ đánh bóng sàn các loại để giúp quý Khách hàng luôn có một sàn nhà mới.
1. Phân loại sàn nhà
a) Sàn đá
Với khả năng sáng tạo vô tận của con người, và khát khao luôn làm đẹp môi trường sống, con người đã tạo ra vô số các kiểu sàn nhà với các vật liệu khác nhau. Để tiến hành chà sàn nhà, trước hết chúng ta phải phân loại chúng.
Đá Granite (đá hoa cương)
Có độ cứng rất cao, nếu được mài nhẵn thì bề mặt sẽ bóng như gương. Có dạng cấu tạo tinh thể và thường đồng màu, ít màu sắc và hoa văn.
Vật liệu đá (đá xẻ): Được khai thác trong tự nhiên và được xẻ thành từng miếng có độ dày mỏng và kich thước khác nhau, có thể được mài nhẵn hoặc để sần. Được sử dụng để lát sàn, sảnh, hành lang, bậc cầu thang, tam cấp, ốp tường, cột, bệ các thiết bị vệ sinh.
Đá Marble (đá vôi)
Có độ cứng kém hơn và cấu tạo xốp hơn đá Granite nên dễ bị mài mòn và dễ bị thấm chất bẩn hơn. Có nhiều màu sắc và thường có vân đá tạo hoa văn.
Tính chất vật liệu đá: Có độ cứng rất cao và chịu mài mòn tốt nên thường được sử dụng ở những nơi nhiều người qua lại. Đá Marble dễ bị trầy xước và bám bẩn do quá trình đi lại gây nên. Màu sắc của đá chủ yếu là do các oxit kim loại trong thành phần của đá tạo nên, do đó đá sẽ bị mất màu khi bị các hóa chất mang tính axit hay chất tẩy Clo thấm xuống mặt đá.
Phương pháp làm sạch đá Granite và đá Marble
Có thể đẩy khô, lau ướt bằng cây lau hoặc đánh bằng máy và phớt trắng hoặc đỏ. Sau khi lau ướt hoặc đánh bằng máy phải làm khô bề mặt đá.
Nên bảo dưỡng đá Marble thường xuyên bằng cách dùng máy đánh để hóa chất chuyên dụng thấm xuống bề mặt đá tạo thành lớp bảo vệ hoặc phủ một lớp bảo vệ và tạo bóng.
Đối với đá Granite thì không nên phủ bóng mà nên đánh bóng bằng máy chuyên dụng với phớt kim cương.
Chú ý:
- Do đá có cấu tạo theo thớ đá nên nếu không có lớp bảo vệ thì chất bẩn sẽ thấm sâu xuống bề mặt đá. Rất trơn khi sàn đá bị ướt, vì vậy khi lau ướt sàn phải có biển báo hiệu tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
- Nếu dùng dụng cụ cứng và thô ráp sẽ làm xước mài mòn bề mặt đá.
- Trước khi sử dụng hóa chất, cần phải thử trước ở một nơi khuất để xem hóa chất có làm hỏng bề mặt đá hay không.
- Cần phân biệt chính xác đá Granite với đá Marble.
b)Các loại sàn khác
Đá Granito (đá rửa): được tạo ra bằng cách trộn hỗn hợp xi măng, bột màu và đá dăm. Sau đó được mài phẳng để tạo ra lớp bề mặt bóng. Có khả năng chịu mài mòn tương đối cao, tuy nhiên dễ bị chất bẩn thấm qua bề mặt. Hay bị bạc màu sau một thời gian sử dụng. Có thể làm sạch bằng bàn chải hoặc đánh bằng máy đánh với phớt đen. Sau khi làm sạch có thể phủ bóng.
Gạch đỏ: được làm từ đất nung trong nhiệt độ cao, thường là dạng hình vuông và có màu đỏ. Có độ cứng khá cao nhưng dễ bị chất bẩn thấm xuống bề mặt và bị hóa chất mạnh phá hủy bề mặt và làm mất bóng. Hay được sử dụng ngoài trời nên dễ bị rêu mốc. Có thể làm sạch bằng bàn chải hoặc đánh bằng máy đánh với phớt đen. Sau khi làm sạch có thể phủ bóng.
Gạch Ceramic (gạch men): Được sản xuất bằng cách nung ở nhiệt độ cao hỗn hợp đất sét và cao lanh có phủ một lớp men bên ngoài. Cứng nhưng giòn nên dễ bị vỡ hoặc bị sứt khi bị va đập mạnh. Có thể đẩy khô, lau ướt bằng móp hoặc dùng máy đánh với phớt đen và hoá chất sau đó dùng máy hút khô bề mặt. Rất trơn khi bị ướt, vì vậy khi lau ướt sàn phải có biển báo. Chỉ làm sạch chứ không phủ bóng sàn gạch Ceramic.
Gạch bông (gạch hoa/gạch xi măng): Gồm có 02 lớp. Lớp 1: Được tạo ra bằng cách trộn hỗn hợp xi măng và cốt liệu (cát vàng, bột đá) để làm phần xương dày khoảng 1,5 -->2cm. Lớp 2: Phần hoa bên trên 2mm làm bằng xi măng trắng, bột đá, bột màu ép lại bằng máy nén nhờ phương pháp bán khô. Sau đó ngâm bảo dưỡng đến khi đạt yêu cầu. Làm sạch như sàn Ceramic, gạch đỏ.
Gỗ tự nhiên: Được chế tạo từ thân cây gỗ trồng tự nhiên nên rất bền và có vân gỗ đa dạng.
Gỗ dán: Được chế tạo bằng cách dán keo nhiều lớp gỗ mỏng nên thường mỏng và dễ bị gẫy, vỡ.
Ván ép (gỗ nhân tạo): Được chế tạo bằng cách ép hỗn hợp gỗ vụn hay bột gỗ tạo thành ván. Sau đó được tạo bề mặt bằng sơn hoặc dán decal giả vân gỗ nên thường chỉ có một kiểu vân lặp đi lặp lại.
Tính chất: Được khai thác từ tự nhiên hoặc được sản xuất nhân tạo theo phương pháp công nghiệp. Có độ bền cao nhưng mềm nên dễ bị trầy xước và dễ bị mài mòn. Thường được phủ một lớp bảo vệ bên ngoài và tạo màu sắc như vecny, sơn, dầu bóng. Lớp bảo vệ sẽ bị phá hủy bởi hóa chất mang tính axit và dung môi hòa tan. Dễ bị hỏng khi bị ngâm nước hoặc sử dụng trong điều kiện độ ẩm cao. Không chịu được các nguồn nhiệt cao.
Phương pháp làm sạch:
Dùng máy hút để hút bụi, dùng khăn khô để lau sạch các vết bẩn bám trên bề mặt.
Dùng khăn ẩm và hóa chất dạng kem để làm sạch gỗ. Không nên dùng hóa chất dạng lỏng vì sẽ bị thấm xuống mặt gỗ làm hỏng gỗ.
Có thể dùng khăn hoặc cây lau ướt để phủ các hoá chất bảo vệ và làm bóng mặt gỗ.
Chú ý:
- Không dùng các dụng cụ cứng và thô ráp để làm sạch. Nếu bị nước rơi vào mặt gỗ thì phải lau khô ngay.
- Trước khi sơn hoặc phủ bóng phải cạo bỏ lớp phủ cũ ( nếu có) rồi làm phẳng, nhẵn và vệ sinh sạch bề mặt gỗ.
- Khi sơn hoặc phủ bóng phải đảm bảo lớp trước đã khô hẳn rồi mới phủ tiếp lớp sau.
Sàn Ebosi: Là 1 loại sàn nhựa, độ cứng cao, chịu mài mòn tốt. Thường gặp ở các nhà máy, khu công nghiệp, thích hợp với hoá chất trung tính (Lemon). Không dùng Xylene, hóa chất có tính axit mạnh hay có chất tẩy mạnh hay có chất clo để làm sạch.
Sàn phủ sơn: Thường gặp ở tầng hầm các toà nhà. Phương pháp làm sạch tương tự như sàn Ebosi.